Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Vai trò của Lãnh đạo trong phát triển văn hóa Doanh nghiệp - quản trị nhân lực

Vai trò của Lãnh đạo trong phát triển văn hóa Doanh nghiệp

“ Phát triển văn hóa Doanh nghiệp đang là một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh cũng như các nhà Quản lý Doanh nghiệp. Từ các kết quả nghiên cứu cũng như các dự án tư vấn quản lý, bài viết này nhằm trả lời các câu hỏi: Tại sao phải phát triển văn hóa Doanh nghiệp? Bản chất của văn hóa Doanh nghiệp là gì? Nhà Lãnh đạo đóng vai trò gì trong quá trình phát triển văn hóa Doanh nghiệp? và những hạn chế cần tránh của Lãnh đạo trong phát triển văn hóa Doanh nghiệp của Việt Nam.”

1. Tại sao phải phát triển văn hóa Doanh nghiệp?

Bởi vì, xây dựng và phát triển thành công văn hóa Doanh nghiệp sẽ đem lại những lợi thế to lớn cho Doanh nghiệp như sau:

- Thứ nhất, bản sắc văn hóa Doanh nghiệp là động lực quan trọng của Doanh nghiệp trong quá trình tạo dựng niềm tin, uy tín đối với khách hàng và thị trường . Khách hàng có thể biết thông tin về Doanh nghiệp qua truyền thông, PR, quảng cáo nhưng chỉ có đội ngũ con người hay văn hóa Doanh nghiệp mới tạo nên cảm nhận mạnh mẽ về thương hiệu.

- Thứ hai, văn hóa Doanh nghiệp là thanh nam châm, giúp Doanh nghiệp thu hút và duy trì đội ngũ nhân sự tài năng. Nhân viên có cá tính chỉ thích làm việc trong môi trường phù hợp với tính cách của họ.Như vậy văn hóa Doanh nghiệp là động lực cho hoạt động quản trị nguồn nhân lực của Doanh nghiệp trong việc thu hút, sử dụng, phát triển, và duy trì đội ngũ nhân viên tài năng, nhằm hiện thực hóa thành công các mục tiêu chiến lược của Doanh nghiệp.

- Thứ ba, văn hóa Doanh nghiệp sẽ xác lập bộ gien để Doanh nghiệp phát triển trường tồn.Sự lớn lên về qui mô của các Doanh nghiệp sẽ tạo nên rủi ro đổ vỡ, khi quá trình phát triển đó không dựa trên các chuẩn mực và trên nền sự đồng nhất về nhận thức và hành vi.
Như vậy văn hóa Doanh nghiệp là môi trường và động lực để mọi thành viên trong tổ chức gắn kết, cùng nhau thực hiện mục tiêu chiến lược của tổ chức. Qua đó, văn hóa Doanh nghiệp sẽ làm gia tăng vị thế cạnh tranh của Doanh nghiệp thông qua việc tạo dựng dấu ấn của Doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và xã hội, là nền tảng để Doanh nghiệp phát triển bền vững.

2. Bản chất của văn hóa Doanh nghiệp

Theo Edgar H.Schein( 2004) , văn hóa Doanh nghiệp là tập hợp các giá trị, chuẩn mực và niểm tin căn bản được tích lũy trong quá trình Doanh nghiệp tương tác với môi trường bên ngoài và hòa nhập trong môi trường bên trong, giá trị và chuẩn mực này đã được xác lập qua thời gian, được truyền đạt cho những thành viên mới như một cách thức đúng để tiếp cận, tư duy và định hướng giải quyết những vấn đề học gặp phải.

Hai con đường hình thành nên văn hóa Doanh nghiệp là quá trình hội nhập diễn ra bên trong tổ chức, và quá trình tương tác với bên ngoài tổ chức.
Văn hóa Doanh nghiệp là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người trong Doanh nghiệp tạo dựng và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa các cá nhân với môi trường tác nghiệp.

3. Phát triển văn hóa Doanh nghiệp và vai trò của lãnh đạo?

Trong quá trình hình thành và phát triển, văn hóa Doanh nghiệp chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố. Schein( 2004) đã ví Lãnh đạo và văn hóa Doanh nghiệp gắn với nhau như hai mặt của đồng xu. Theo John Kotter, giáo sư hàng đầu về môn Lãnh đạo tại đại học Harvard, cũng cho rằng, Lãnh đạo, theo nghĩa rộng nhất, là tạo dựng văn hóa Doanh nghiệp, nhiệm vụ tối quan trọng của lãnh đạo là tạo dựng và củng cố văn hóa Doanh nghiệp.

Như vậy, Lãnh đạo Doanh nghiệp có vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp. Vai trò đó được thể hiện như sau:

- Lãnh đạo tạo dựng nền tảng văn hóa Doanh nghiệp.
- Lãnh đạo hình thành , nuôi dưỡng môi trường và chuẩn mực văn hóa
- Tuyển chọn những người phù hợp với hệ giá trị văn hóa
- Lãnh đạo là tấm gương và động lực cho nhân viên
- Lãnh đạo là người thay đổi văn hóa Doanh nghiệp

4. Vai trò của Lãnh đạo trong thực tiễn phát triển văn hóa Doanh nghiệp ở Việt Nam

Thực tế trong quá trình phát triển Doanh nghiệp vừa qua, rất nhiều nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đã trăn trở và quyết tâm tạo dựng và phát triển một văn hóa Doanh nghiệp mạnh, mang bản sắc riêng, thể hiện khát vọng và ý chí của nhà Lãnh đạo.

Qua các nghiên cứu và chương trình tư vấn ở Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế ĐHQGHN, chúng tôi nhận thấy một số hạn chế lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải trong quá trình phát triển văn hóa Doanh nghiệp, như sau:

Thứ nhất, Lãnh đạo Doanh nghiệp chưa thấu hiểu về bản chất của văn hóa Doanh nghiệp. Nhiều Lãnh đạo Doanh nghiệp vẫn quan niệm văn hóa Doanh nghiệp như là : Văn hóa giao tiếp ứng xử, đồng phục, khẩu hiệu, hay văn hóa văn nghệ. Cho nên, khi xây dựng văn hóa Doanh nghiệp, Doanh nghiệp chỉ dừng ở mức xây dựng quy chế giao tiếp, ứng xử nội bộ, chưa thấy tầng sâu của văn hóa phát triển thông qua quá trình quản trị, chính sách quản trị, và tương tác giữa con người với con người, trong đó nhà Lãnh đạo giữ vai trò trọng tâm.

Thứ hai, do thiếu kiến thức đầy đủ về văn hóa Doanh nghiệp nên nhiều Lãnh đạo còn nóng vội trong phát triển văn hóa Doanh nghiệp.

Thứ ba, Doanh nghiệp còn thiếu các chính sách Quản lý kinh doanh mang tính nền tảng làm bệ đỡ phát triển văn hóa Doanh nghiệp thông qua hai quá trình tương tác với môi trường bên ngoài và hội nhập trong môi trường nội bộ như là: chiến lược kinh doanh, hệ thống truyền thông, chính sách quản trị nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng tùy hứng và theo các yêu cầu ngắn hạn, không tính đến những phù hợp về văn hóa Doanh nghiệp cũng là một cản trở lớn trong quá trình phát triển văn hóa Doanh nghiệp.

Cuối cùng, do thiếu kỹ năng nhiều Lãnh đạo có xu hướng hạn chế tương tác với nhân viên, khó nêu gương tích cực cho cấp dưới. Chính bởi vậy, Lãnh đạo Doanh nghiệp có mong muốn phát triển văn hóa Doanh nghiệp, những không truyền được hình ảnh tích cực và động lực cho đội ngũ nhân viên.

Kỷ Yếu Ngày nhân sự Việt Nam - Vietnam HRDay
TS. Đỗ Tiến Long- Phó chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, Khoa QTKD,
Trường Đại học Kinh tế- Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét